Gỏi sầu đâu là một món ăn đặc sản nức tiếng, những người dân nơi đây lại thay phiên nhau đi hái về làm gỏi. Gỏi sầu đâu là một sự kết hợp của tất cả những vị đắng, chua, mặn, ngọt. Vì vậy mà tiếng tăm của món ăn này được lan rộng ra khắp đất nước.
1. Gỏi sầu đâu – Món đặc sản dân dã
1.1 Đôi nét về gỏi sầu đâu An Giang
Gỏi sầu đâu vốn không phải là món được Việt Nam sáng tạo ra mà được du nhập từ một bộ phận người Khmer sống ở gần biên giới. Với vị đắng đặc trưng cùng cách chế biến độc đáo, gỏi sầu đâu đã dần phổ biến hơn và trở thành món ăn dân dã không thể thiếu trong cuộc sống của người dân khi đến mùa. Và không chỉ là món ăn quen thuộc của dân địa phương, gỏi sầu đâu cũng rất được lòng bạn hữu gần xa vì hương vị có một không hai của mình. Ăn vào một đũa gỏi, bạn sẽ được trải qua nhiều hương vị khác nhau nhưng vị đắng hậu ngọt của sầu đâu là rõ nhất. Tuy nhiên, vì có vị đắng khá đặc trưng nên sẽ hơi khó ăn với những người mới thử, các bạn lưu ý nhé.
Gỏi sầu đâu An Giang với hương vị độc đáo gây ấn tượng với bạn bè gần xa
1.2 Sầu đâu – Nguyên liệu chính của món gỏi trứ danh
Cây sầu đâu hay còn được gọi là sầu đông hoặc cây xoan thường vào mùa từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch. Sầu đâu có vị đắng nhưng hậu ngọt, có tính mát dùng để giải nhiệt rất tốt. Sầu đâu ở miền Tây khác với miền Trung nhưng vẫn thường hay bị nhầm lẫn. Loại mọc ở miền Trung toàn thân đều có độc đặc biệt là lá và quả, còn sầu đâu ở miền Tây lại không độc, vị đắng nhưng lại rất thơm. Mỗi khi đến mùa, bạn sẽ thấy bên vệ đường người ta bán từng bó sầu đâu xanh mướt trông rất thích mắt.
Theo cẩm nang du lịch được biết, ngoài công dụng giải nhiệt, sầu đâu còn được biết đến như một vị thuốc chữa được đến 40 loại bệnh khác nhau. Lá và hoa của sầu đầu giã ra lấy nước chữa được các bệnh về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu…
Sầu đâu không chỉ ăn ngon mà còn có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ
2. Làm sao để có món gỏi sầu đâu chuẩn vị?
Thật ra trông như thế nhưng gỏi sầu đâu không hề khó làm như bánh bò thốt nốt. Sầu đâu sau khi mang về sẽ được trụng sơ qua nước sôi để giảm vị đắng. Sau đó được trộn chung với các nguyên liệu như tôm, thịt luộc, dưa leo, xoài sống thái sợi vừa ăn. Tất cả sẽ được trộn chung với nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Vậy là đã có ngay một đĩa gỏi sầu đâu đúng điệu. Tuy nhiên, để món gỏi sầu đâu thêm hoàn chỉnh thì không thể thiếu sốt mắm me chấm gỏi. Vị mắm me mằn mặn, chua chua cùng mùi thơm nồng của tỏi và ớt băm khiến món gỏi sầu đâu thêm phần hấp dẫn.
Nguyên liệu làm sốt mắm me chấm thần thánh
3. Hương vị đặc trưng của món gỏi sầu đâu
Những ai lần đầu ăn gỏi sầu đâu có thể sẽ không quen vì cái vị nhẫn nhẫn, đăng đắng đặc trưng của sầu đâu. Nhưng khi nhai kĩ rồi nuốt xuống thì cổ họng dâng lên một vị ngọt nhè nhẹ rất thú vị. Vì thế mà người ta mới càng muốn thưởng thức thêm cái món ăn dân dã mà đầy mê hoặc này. Và dĩ nhiên không chỉ có vị đắng, gỏi sầu đâu còn là sự kết hợp tuyệt vời giữa các hương vị. Vị đắng của sầu đâu hoà cùng vị mặn của khô cá sặc, cái beo béo của thịt và chua ngọt từ sốt mắm me khiến ai đã thử qua sẽ không bao giờ quên.
Ai thử qua món đặc sản này một lần đều nhớ mãi
Vì hương vị đặc trưng cùng việc có lợi cho sức khoẻ nên bên cạnh đường thốt nốt, gỏi sầu đâu cũng được nhiều người mang về làm quà để biếu người thân, hàng xóm khi du lịch về. Sức hấp dẫn của món gỏi sầu đâu là không thể chối từ. Vậy nên nếu có dịp, bạn đừng quên bỏ túi món ăn này vào cẩm nang du lịch và thưởng thức nhé.