Ở Tây Ninh, tập tục thờ cúng Quan lớn Trà Vong từ lâu nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian đặc biệt. Cho đến nay, ngày giỗ của Quan lớn Trà Vong hằng năm đã trở thành một lễ hội dân gian thực sự với sự tham dự của đông đảo nhân dân trong, ngoài địa phương, kéo dài từ tháng 2 cho đến tháng 4 âm lịch.
Tại đền thờ Quan lớn Trà Vong ở ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi (Châu Thành), trong 2 ngày 15 và 16.2 âm lịch, lễ giỗ đã được tiến hành với các nội dung cúng tế tưởng nhớ vị công thần họ Huỳnh ngày trước và các nghi thức cầu an.
Tại đền thờ Quan lớn Trà Vong Suối Vàng, thuộc ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh) lễ giỗ đã tổ chức trong 2 ngày 20 và 21 tháng 2 âl. Theo truyền khẩu của dân gian đây là nơi ngày xưa Quan đại thần Huỳnh Công Giản tổ chức tập luyện binh mã. Ngôi đền đã được nhân dân xây dựng khá lâu. Đến năm 1995, nhân dịp tỉnh lộ 4 được mở rộng, người dân đã tiến hành xây dựng ngôi đền mới thật khang trang, tường gạch, cột bê tông, mái ngói với kiến trúc kiên cố theo hình chữ tam. Đây là ngôi đền thờ Quan lớn Trà Vong lớn nhất trong tỉnh so với các đền khác. Số lượng khách đến viếng cũng rất đông.
Ngôi đền này thờ cả 3 vị quan đại thần Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ. Trong dịp này, đền thờ Quan lớn Trà Vong Suối Vàng đã tổ chức trọng thể lễ đón sắc phong từ lăng mộ ông Huỳnh Công Giản (ấp 3, xã Trà Vong, Tân Biên). Cũng cần nói rõ thêm: vào giữa năm 2009, Ban Hội các dinh, đền thờ Quan lớn Trà Vong toàn tỉnh đã xin phục chế sắc phong của đại thần Huỳnh Công Giản và đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế nghiên cứu, phục chế bản sắc phong dựa theo các tài liệu lịch sử.
Tại xã Cẩm Giang (Gò Dầu) có đền thờ của Quan đại thần Huỳnh Công Thắng. Lễ giỗ được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 6 tháng 4 âl. Ngôi đền kiến trúc 3 lớp hình chữ Nhị. Trong đền có tượng ông Huỳnh Công Thắng. Gần ngôi đền còn có ngôi mộ của vị đại thần này. Hiện nay, đền thờ này đã được tu bổ khá khang trang, nhiều công trình phục vụ sinh hoạt cũng đã hình thành.
Tại rạch Vàm Bảo – Bến Thứ (xã Hảo Đước, Châu Thành) có đền thờ của ông Huỳnh Công Nghệ. Nơi yên nghỉ cuối cùng của ông hiện nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết. Tương truyền, khi ông qua đời nhân dân đã chôn cất ông giữa một khu rừng rậm nào đó, lâu ngày đã thất lạc mồ mả,
Nói chung, nghi thức lễ Quan lớn Trà Vong gần giống như lễ kỳ yên ở các đình Nam bộ và trong khu vực Tây Ninh. Lễ vật dâng cúng chủ yếu là thức ăn mặn cùng hương, hoa, đèn nến… Có chủ tế cùng các lễ sinh cũng như các ban nhạc, đờn ca tài tử khi hành lễ. Riêng tại lễ giỗ của ông Huỳnh Công Giản, nhiều nơi còn tổ chức biểu diễn hát bội cho dân làng xem