Ứng xử văn hoá khi tham gia Chợ Lá tại Tây Ninh

Khởi nguồn từ Hoà Thành, Chợ Lá tại Tây Ninh đã trở thành phiên chợ được người dân trong tỉnh mong đợi và háo hức tham gia. Nét văn hoá dân gian đã lan toả, tạo hiệu ứng tích cực từ những cá nhân, đơn vị tổ chức Chợ có tâm. Các phiên chợ được tổ chức ngày càng bài bản, nền nếp, có sự tham gia, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể.
Để Chợ Lá trở thành nét đẹp văn hoá riêng có của Tây Ninh, là lễ hội dân gian định kỳ vào mỗi dịp Xuân về, Tết đến, và để không phụ tấm lòng của những người tổ chức Chợ Lá, người tham gia phiên chợ cần chú ý một số điều sau:


– Thứ nhất, trang phục đi Chợ Lá cần lịch sự, có thể áo dài, bà ba mang đậm chất phiên chợ quê.
– Thứ hai, đậu xe trật tự, ngay ngắn, đúng nơi quy định.
– Thứ ba, không chen lấn, xô đẩy, tranh chỗ “mua” đồ. Chú ý nhường chỗ cho người già, trẻ em.
– Thứ tư, chọn lá cây sạch, đẹp (không rách, úa vàng), tên mang ý nghĩa như lá mai (may mắn), lá sung, sa kê, … Nếu Ban tổ chức có phát lá thì sử dụng, không hái lá cây trong khu vực tổ chức.
– Thứ năm, nụ cười luôn nở trên môi. Cám ơn và cười tươi khi “mua” được đồ. Có thể chúc người bán những điều tốt lành, may mắn.
– Thứ sáu, không bỏ thừa đồ ăn.
– Thứ bảy, ăn xong nên dọn dẹp, vệ sinh khu vực mình vừa ăn. Nếu có thể, phụ giúp dọn dẹp, vệ sinh khu vực tổ chức.
– Thứ tám, không vất rác bừa bãi, kể cả tiền (lá).

Chợ lá Tây Ninh

– Thứ chín, đi chợ với tâm thế: ”mua” niềm vui, chia sẻ giá trị tinh thần, giá trị văn hoá, để Chợ Lá ngày càng phát huy ý nghĩa bản sắc văn hoá, trở thành “thương hiệu” của tỉnh, là sự kiện được mong chờ hằng năm của người dân trong tỉnh, mgoài tỉnh, kể cả kiều bào.