Trầm trồ xem chuông gió con cò độc lạ của chàng trai Tây Ninh

Những sản phẩm thủ công của chàng trai Tây Ninh rất tỉ mỉ và lạ mắt, nhưng toát lên nét đẹp mộc mạc, đồng quê. nhờ sử dụng nguyên liệu bình dị, gần gũi ở nông thôn như tre, trúc, gáo dừa…

Lê Ngọc Dư (sinh năm 1987, Tây Ninh) còn được biết đến với cái tên Chú Cuội trên Tik Tok. Với bàn tay khéo léo cùng tài năng của mình, anh đã sáng tạo ra những sản phẩm thủ công độc đáo hút hàng chục triệu lượt view.

“Chuông gió con cò” khiến dân mạng trầm trồ

Từ bé, do gia đình không có điều kiện nên Ngọc Dư không được mua đồ chơi như các bạn đồng trang lứa khác; đồ chơi của anh đều là do bố anh tự tay làm. Chính vì vậy, thói quen tự làm những món đồ chơi cho bản thân của Dư hình thành. Đồng thời, niềm yêu thích với các sản phẩm thủ công cũng được gieo mầm và phát triển cùng thời gian.

Trước đó, công việc chính của Ngọc Dư là một thợ làm tóc nhưng vì dịch bệnh anh không thể tiếp tục công việc này, nên đã bắt đầu chuyển sang làm đồ thủ công mỹ nghệ.

Những sản phẩm thủ công của chàng trai Tây Ninh rất tỉ mỉ và lạ mắt nhưng đều toát lên nét đẹp mộc mạc, đồng quê nhờ sử dụng nguyên liệu bình dị, gần gũi ở nông thôn như tre, trúc, gáo dừa… Dụng cụ để anh sáng tạo đơn giản như cái cưa, cái kéo, lọ keo dán sắt và một khúc gỗ cây nhà lá vườn để làm bàn kê.

Trầm trồ xem chuông gió con cò độc lạ của chàng trai Tây Ninh - 1
Trước khi là một Tiktoker về các sản phẩm thủ công, Ngọc Dư là một thợ làm tóc. (Ảnh: NVCC)

 

Trầm trồ xem chuông gió con cò độc lạ của chàng trai Tây Ninh - 2
Sản phẩm chuông gió con cò gây sốt mạng xã hội của anh Dư.

 

Trên kênh TikTok của mình, anh chia sẻ các video hướng dẫn làm nhiều sản phẩm thủ công độc đáo và thu hút đông người xem. Đặc biệt, video làm chuông gió con cò của anh đã đạt gần 35 triệu view.

“Chuông gió con cò” đang là sản phẩm được nhiều người biết đến nhất của mình. Mình lấy ý tưởng cho sản phẩm này từ chuông gió thông thường nhưng được sáng tạo thêm về nguyên liệu và kiểu dáng.

Nguyên liệu chính của sản phẩm này là trúc. Mình vẫn giữ các đặc điểm vốn có của cây trúc và tìm những bộ phận của cây có hình hài gần giống các tạo hình mình muốn làm.

Ví dụ, khi làm con cá mình chọn phần gốc của cây trúc để tạo hình nhưng vẫn giữ lại những nét cua, nét hằn của gốc sao cho mọi người nhìn vào đều biết nó làm từ gốc trúc. Còn con cò, những nguyên liệu tạo thành vẫn từ cây trúc nhưng cần sự tỉ mỉ hơn. Mình phải làm từng “cọng” lông cánh, lông đuôi rồi dùng keo kết chúng lại để hoàn thành một bộ lông con cò đẹp mắt và độc đáo.

Mẫu chuông con cò này là bản nâng cấp của một mẫu mình đã làm trước đó và mình mất 6 ngày để hoàn thành nó”, Ngọc Dư chia sẻ.

Làm “gà kiểng” đi bán từ năm lớp 3

Trầm trồ xem chuông gió con cò độc lạ của chàng trai Tây Ninh - 4
Ngọc Dư làm “gà kiểng” cho mẹ đi bán từ năm học lớp 3 đến năm học lớp 9. (Ảnh: NVCC)

Ngay từ khi còn nhỏ, Ngọc Dư đã bộc lộ năng khiếu thủ công của bản thân khi có thể tự làm món đồ chơi “gà kiểng” và đặc biệt món đồ chơi đó còn có thể đem lại thu nhập phụ giúp gia đình.

“Khi đó, mình sống trong một khu xóm làm “gà kiểng” đã có thâm niên gần 20 năm. Là trẻ con nên mình hay đi chơi quanh xóm, lựa lông gà để cho các ông nghệ nhân dán lên “gà kiểng” nên mình nhìn lén cách làm rồi về nhà tự mày mò, khám phá để làm con gà của riêng mình. Từ con gà mình liên tưởng, sáng tạo nhiều con vật khác như con vịt chòm, con công và cả xóm cũng bắt đầu làm theo.

Ban đầu, mục đích của mình chỉ là làm chơi sau đó mẹ mình thử đem đi bán và thực sự bán được. Từ một hai cặp gà đầu tiên đến lúc ngày càng bán được nhiều hơn, có người đến tận nhà mình đặt hàng. Thời điểm ấy mình đang là học sinh lớp 3 và mình gắn bó với công việc này đến năm mình học lớp 9 để phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập.

Vừa học vừa làm nhưng mình không thấy quá vất vả vì làm các sản phẩm thủ công như thế là đam mê từ bé của mình, thậm chí từng có thời gian mình chểnh mảng việc học vì bị cuốn vào niềm vui, sự yêu thích khi làm “Gà kiểng”, Dư chia sẻ.

Trầm trồ xem chuông gió con cò độc lạ của chàng trai Tây Ninh - 5
Sản phẩm “Kỳ lân bằng tre” của Ngọc Dư (Ảnh: NVCC).

Làm một công việc vừa phải lao động chân tay vừa tốn nhiều chất xám để sáng tạo nhưng người con Tây Ninh không cảm thấy bản thân vất vả hay cực nhọc. Ngược lại, anh hạnh phúc vì được làm đúng đam mê của bản thân và ngày càng cố gắng, cần mẫn làm ra những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt hơn.

Bên cạnh việc làm các sản phẩm thủ công để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, Ngọc Dư còn gửi gắm qua những sản phẩm ấy thông điệp lưu giữ những nét đẹp mộc mạc, bình dị nơi thôn quê.

Nguồn: Dân Trí