Tỉnh Tây Ninh nổi tiếng là vùng đất thánh, nơi đặt Tòa thánh Cao Đài và là nơi người theo đạo này tìm đến để hành hương, dâng lời nguyện cầu.
Mỗi năm sau Tết, vào mùng 8 âm lịch, tại đây sẽ tổ chức Đại lễ vía Đức Chí Tôn nhằm ôn lại truyền thống, nhắc nhở mọi người về công ơn của đấng sinh thành, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Du khách đến thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh dịp này sẽ được hòa vào bầu không khí lễ hội đường phố đặc sắc, mọi hoạt động sẽ được tổ chức ngoài trời, không gian xung quanh Tòa thánh để ai cũng được tự do tham gia, chiêm ngưỡng.
Người theo đạo Cao Đài luôn mặc áo dài truyền thống màu trắng, họ thành kính dâng hương, cầu kinh. Sau đó, không khí lễ hội trở nên rực rỡ sắc màu với những màn thi đấu võ thuật, trò chơi dân gian, điệu múa dân tộc,… tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng ấn tượng rất có bản sắc riêng.
Theo Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, Đại lễ vía Đức Chí Tôn diễn ra ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm, được xem là một trong hai lễ hội lớn trong năm, chỉ sau đại lễ Hội yến Diêu trì cũng được tổ chức tại đây vào ngày rằm tháng 8 âm lịch.
Bên cạnh hoạt động văn hóa, ngày Đại lễ vía Đức Chí Tôn cũng trưng bày triển lãm các mô hình, tái hiện lại quá trình lập nước và dựng nước của cha ông, các sự tích, anh hùng huyền thoại cổ xưa được lưu danh ngàn đời, được các họ đạo trong tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Đồng Nai, Kiên Giang,… cùng làm nên, như sự tích
Buổi tối sẽ diễn ra múa Long Mã, Tứ Linh, biểu diễn nhạc Sắc Tộc trước đền thánh và Báo ân từ. Cặp ngựa nhảy múa theo tiếng trống gióng hồi một rộn ràng, theo sau là các Trật tự viên cầm Bảng Đạo cùng giàn Bát Bửu, kế tiếp là Đội Trống Sa Dăm với tiếng trống như sấm rền, Đội Nữ Kh’Mer và Đội Nữ Tà Mun bước đi theo tiếng nhạc của Dàn nhạc Ngũ Âm.
Tiếp theo là Đội Rồng Nhang với trên 50 người điều hành múa cùng với cặp Ngọc Kỳ Lân, cặp Linh Qui, cặp Hỏa Phụng, Đội Bạch phụng, Đội kèn Tây, và các đầu lân cù, rồng vải, Tam Tạng thỉnh kinh diễn hành hai vòng chung quanh sân Đại Đồng Xã rất sinh động, náo nhiệt.
Đạo Cao Đài là tôn giáo có sự dung hòa nét nổi bật của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như Phật Giáo, Đạo Giáo, Kitô Giáo… Bởi thế, công trình thờ tự, hành lễ có sự giao thoa của nhiều trường phái kiến trúc Á – Âu, nhưng vẫn toát lên vẻ huyền bí phương Đông với những dấu ấn, mảng màu đặc trưng.
Khách du lịch hòa vào dòng người trong ngày Đại lễ không chỉ được thưởng thức văn hóa độc đáo, mà còn cảm nhận được sự mến khách hay lòng yêu nước, tự hào dân tộc qua từng tiết mục trình diễn, điệu nhạc, nhịp trống,…
Năm nay do tình hình dịch bệnh, tín đồ từ các địa phương khác và ở nước ngoài không tề tựu về được, do đó số lượng người tham gia và số gian hàng ít đi. Tuy vậy, ngày lễ vẫn được tổ chức trang nghiêm, hoành tráng, các gian hàng được ứng dụng công nghệ tạo nên trải nghiệm ấn tượng cho tín đồ, du khách tham quan.