Lễ hội Tây Ninh: Khám phá 7 sự kiện đặc sắc bậc nhất đất Thánh

Lễ hội Tây Ninh với nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc được ví như “thỏi nam châm” thu hút du khách. Miền “đất thánh” địa linh này chắc chắn là điểm đến thú vị mà các tín đồ du lịch không thể bỏ qua.

Tây Ninh là vùng đất của văn hóa và tôn giáo với nhiều điểm du lịch tâm linh đặc sắc. Bởi vậy, không khó hiểu khi các lễ hội Tây Ninh lại chiếm được nhiều cảm tình của đông đảo du khách. Nếu dự định đi du lịch Tây Ninh, hãy thử khám phá xem các lễ hội ở đây có gì hấp dẫn bạn nhé!

1. Lễ hội ở Tây Ninh – Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Thời gian diễn ra: Ngày mồng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch hằng năm.

Địa điểm tổ chức: Linh Sơn Tiên Thạch Tự – tọa lạc tại lưng chừng núi Bà Đen. Đây là một trong những ngôi chùa Tây Ninh linh thiêng nhất.

Một trong các lễ hội ở Tây Ninh đặc sắc nhất chính là lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (lễ hội chùa Bà Tây Ninh). Lễ hội này khởi đầu bằng lễ Mộc Dục (tắm tượng) vào lúc 00 giờ ngày 4/5 âm lịch tại đền. 

Hội chính diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch với các nghi lễ quan trọng là: “Trình thập cúng” – dâng lên Bà đủ 10 món đồ gồm: Hương, đèn, trà bánh, hoa quả, rượu,… và các tiết mục hấp dẫn gồm hát bóng rối, múa dâng bông, hát chặp bóng tuồng hài Địa Nàng,… 

Ngày 6/5 âm lịch dành riêng cho lễ cúng cô hồn, uống tửu và chẩn tế cho bá tánh. Vào ngày này, các nhà sư sẽ đọc kinh sám hối, siêu độ cho các oan hồn.

2. Lễ hội núi Bà Đen Tây Ninh 

Thời gian diễn ra: Đêm 18 – hết ngày 19 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Địa điểm tổ chức: Núi Bà Đen – phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh.

Lễ hội Tây Ninh

Hội xuân núi Bà Đen là lễ hội Tây Ninh thu hút đông đảo du khách hành hương (Ảnh: sưu tầm)

Lễ hội núi Bà Đen ở Tây Ninh cũng là điểm du lịch tâm linh thú vị, thu hút nhiều du khách. Hội xuân núi Bà Đen có sự kết hợp giữa những nghi thức Phật giáo với các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như ca hát, múa lân. Yếu tố truyền thống và hiện đại đan xen với nhau, đưa lữ khách vào một hành trình khám phá văn hóa tâm linh đặc sắc. 

Nâng gót rời núi sau chuyến du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đầu năm, người hành hương hoan hỉ xin về 1 gói giấy đỏ, bên trong có chút tiền lẻ hoặc nhúm gạo trắng tượng trưng cho lộc Bà với hy vọng một năm mới làm ăn suôn sẻ, phát lộc, phát tài,…

3. Lễ hội Yến Diêu Trì Cung ở Tây Ninh 

Thời gian diễn ra: Ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch hằng năm.

Địa điểm tổ chức: Tòa Thánh Tây Ninh – xã Long Thành Bắc, thị trấn Hòa Thành, thành phố Tây Ninh.

Lễ hội ở Tòa Thánh Tây Ninh là 1 trong 2 ngày lễ lớn nhất của đạo Cao Đài và cũng được xem là một trong những lễ hội Tây Ninh nổi tiếng nhất. Lễ hội rằm tháng 8 ở Tây Ninh này cũng được gọi là lễ hội Trung thu ở Tây Ninh, tổ chức nhằm mục đích nhắc nhở các tín đồ về công ơn của Thượng đế – đấng chí tôn sinh ra vạn vật và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Lễ hội Yến ở Tây Ninh (đại lễ vía Đức Chí Tôn) gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ, đầu tiên các tín đồ dâng hương cúng Tiểu Đàn tại Đền Thánh vào đúng 00 giờ ngày 15/8 âm lịch. Sau đó là lễ cúng đàn Phật Mẫu tại Báo Ân Từ vào 12:00 trưa 15/8 âm lịch. Cuối cùng là lễ cầu an và phát quà cho trẻ em vào 6 giờ sáng 16/8 âm lịch. 

Phần hội của lễ hội Cao Đài Tây Ninh thu hút nhiều du khách hơn cả vì bầu không khí sôi động của các tiết mục. Đặc sắc nhất là lễ hội múa Rồng nhang ở Tây Ninh: 30 vũ công điều khiển 1 con rồng dài tới gần 20m. Xung quanh là khói nhang nghi ngút, ánh lửa bập bùng, tăng thêm vẻ linh thiêng của linh vật truyền thuyết này.

4. Lễ hội truyền thống động Kim Quang

Thời gian diễn ra: Ngày 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Địa điểm tổ chức: Động Kim Quang – huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

Tây Ninh có gì chơi? Mùa xuân là thời điểm tổ chức nhiều lễ hội ở Tây Ninh, trong đó có lễ hội truyền thống cách mạng động Kim Quang. Điểm đặc biệt là trong khi các hoạt động lễ hội khác đều mang tính tôn giáo, đã có từ lâu đời thì lễ hội Kim Quang là lễ hội mới do Đảng bộ và chính quyền huyện Hòa Thành tổ chức.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Huyện ủy và Huyện đội Tòa thánh đều đóng tại động Kim Quang – động đá lớn nằm ở phía Tây Nam sườn núi Bà Đen. Lễ hội là dịp để các thế hệ trẻ ôn lại truyền thống cách mạng, tưởng nhớ công lao của các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

5. Lễ giỗ Quan Lớn Trà Vong – Lễ hội tại Tây Ninh lớn

Thời gian diễn ra: Ngày 15 và 16 tháng 2 âm lịch hằng năm.

Địa điểm tổ chức: ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Lễ giỗ Quan Lớn Trà Vong là lễ hội tri ân đóng góp của 3 anh em: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ. Nghi thức lễ giỗ gần giống lễ hội Đình ở Nam Bộ và Tây Ninh. Lễ vật dâng cúng chủ yếu là thức ăn mặn, gà, lợn, hương, hoa, đèn, nến,… Nhiều nơi tổ chức hát bội và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. 

6. Lễ Kỳ Yên – Lễ hội Tây Ninh hấp dẫn

Thời gian diễn ra: 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch.

Địa điểm tổ chức: Đình Gia Lộc – khu phố Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Tây Ninh có những lễ hội truyền thống nào? Lễ Kỳ Yên là lễ hội truyền thống, được tổ chức hằng năm ở các ngôi đình tại Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng. Ở Tây Ninh, lễ Kỳ Yên tại đình Gia Lộc (Trảng Bàng) được nhiều du khách biết đến hơn cả. 

Lễ cúng đình gồm các nghi thức quan trọng như: Thỉnh sắc thần, chánh lễ, cúng tiền vãng, túc yết, xây chầu – đại bội và ẩm phước. Đây là dịp để người dân quanh vùng có dịp giao lưu, gắn kết cộng đồng và thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Lễ hội là truyền thống sinh hoạt văn hóa của người dân Trảng Bàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng được ấm no, thịnh vượng.

7. Lễ hội bánh tráng Tây Ninh

Thời gian diễn ra: Theo quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh.

Địa điểm tổ chức: Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

 

Lễ hội Tây Ninh

Lễ hội Tây Ninh tôn vinh nghề làm bánh tráng (Ảnh: sưu tầm)

Lễ hội Văn hóa – Du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được tổ chức thường niên với quy mô hoành tráng nhất Tây Ninh. Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nghề làm bánh tráng Tây Ninh, tôn vinh các nghệ nhân làm bánh tráng đã có những đóng góp lớn cho nền ẩm thực Việt Nam. 

Du khách đến với lễ hội sẽ được trải nghiệm văn hóa ẩm thực Tây Ninh nói chung và món bánh tráng phơi sương nói riêng. Đồng thời, lễ hội còn giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về hình ảnh, văn hóa và con người Tây Ninh. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *