Giữa cảnh vật thiên nhiên hoang sơ cùng ngàn mây trắng xóa trên đỉnh thiên sơn Bà Đen, du khách không chỉ được thỏa mãn thú vui “xê dịch” mà còn có dịp tận hưởng không khí náo nhiệt của lễ hội và các chương trình văn hóa nghệ thuật mang đậm chất Nam Bộ. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ 10 lễ hội núi Bà Đen Tây Ninh đặc sắc không nên bỏ lỡ nhằm giúp bạn chuẩn bị tốt cho hành trình khám phá tại Tây Ninh sắp tới.
1. Lễ vía Đức Phật Di Lặc (tháng Giêng âm lịch)
Theo ghi chép sử học, Bồ Tát Di Lặc là vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai, thừa kế ý nguyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để đạt được giác ngộ hoàn toàn và giáo hóa chúng sinh. Người đời thường miêu tả Phật Di Lặc có dáng người tròn trịa, bụng to, cổ đeo tràng hạt, trên môi luôn nở nụ cười phúc hậu và ngồi cạnh những đứa trẻ thơ tinh nghịch.
Ngày lễ vía Đức Phật Di Lặc được tổ chức vào ngày đản sinh của Ngài – mùng 1 tháng Giêng hằng năm. Đây cũng là thời khắc chuyển giao của đất trời, vũ trụ, khi công đức thiện hạnh hay những oán niệm trần tục có thể tăng trưởng bội phần theo quan niệm dân gian. Có lẽ cũng vì vậy mà các tín đồ sùng đạo phải trải lòng thành kính với Đức Phật Di Lặc, cầu nguyện thần lực của chư thần sẽ che chở cho họ khỏi tai ương, bệnh tật.
Lễ vía Đức Phật Di Lặc tại đỉnh Bà Đen được tổ chức liền với nghi thức đón giao thừa và tôn vinh các đặc điểm văn hóa tín ngưỡng ngày Tết. Khi tham gia lễ vía, du khách được tự tay dâng lễ, thắp hương và trì tụng các câu chân ngôn Lục tự đại minh trước tượng Phật. Với tâm thế hoan hỷ, vô ngã vị tha, Đức Phật Di Lặc củng cố niềm tin của Phật tử về một năm mới ấm no, sung túc, tràn ngập tiếng cười.
Bên cạnh đó, trong ngày lễ vía đầu năm, du khách nên kiêng kỵ lời ăn tiếng nói, tránh những phát ngôn mang tính thù địch, làm gia tăng oán khí tạp niệm. Đồng thời, bạn cũng có thể tiến hành một số hoạt động gìn giữ văn hóa truyền thống Việt Nam như hái lộc, xin chữ… và chụp hình với những tiểu cảnh ngày Tết phong phú tại đây.
Đặc biệt, dự kiến từ Tết Nguyên Đán 2024, Sun World Ba Den Mountain còn cho ra mắt bức tượng Phật Di Lặc bằng sa thạch cao khoảng 36m, an tọa trên thác nước, tựa lưng vào vách núi và hướng mắt về phía hồ Dầu Tiếng xa xăm. Công trình này hứa hẹn thu hút nhiều du khách gần xa đến chiêm bái, cầu phước lành, tài lộc.
2. Hội Xuân núi Bà Đen (tháng Giêng âm lịch)
Hội Xuân núi Bà Đen là ngày hội truyền thống lớn được tổ chức xuyên suốt từ ngày 4 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch tại vùng “đất thánh” Tây Ninh. Tương truyền lại rằng, xưa có nàng Lý Thị Thiên Hương xinh đẹp vì giữ lòng trung trinh mà gieo mình xuống vực. Sau khi mất, nàng nhiều lần hiển linh báo mộng, cứu độ nhân thế. Cảm động trước tấm lòng chung thủy và đức hạnh từ bi, người dân Tây Ninh đã suy tôn nàng thành “Linh Sơn Thánh Mẫu” và chọn khoảng thời gian này để tổ chức Hội Xuân, tỏ lòng thành kính với người.
Nhân dịp Hội Xuân núi Bà, người dân địa phương có cơ hội sum vầy đoàn viên trong không khí Tết náo nhiệt. Du khách phương xa cũng được trải nghiệm nhiều hoạt động tâm linh độc đáo và chiêm ngưỡng cảnh quan rừng núi tràn ngập sắc xuân rộn ràng. Quan trọng hơn hết, Hội Xuân núi Bà tạo điều kiện cho các tín đồ Phật giáo đến dâng hương bái lễ các thánh thần chư Phật và lắng nghe truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu.
Hoạt động trẩy hội núi Bà diễn ra xuyên suốt nửa tháng đầu năm và thu hút đông đảo khách tham quan trên cả nước. Với sự đầu tư tỉ mỉ, lễ khai mạc hội Xuân thường được tổ chức vào tối ngày mùng 4 Tết trước nhà ga Bà Đen gây ấn tượng với nhiều tiết mục văn hóa – nghệ thuật dân tộc đặc sắc, được trình diễn bởi các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng.
Trong Hội xuân 2023, hẳn nhiều du khách đã phải tiếc nuối khi để lỡ mất màn pháo hoa chào mừng hoành tráng giữa màn đêm núi Bà. Từng cột pháo rực rỡ được đốt sáng như mang theo mong ước của mọi người về một khởi đầu tốt đẹp.
Xuyên suốt buổi sáng các ngày Tết trên đỉnh núi, du khách có thể hòa mình trong điệu nhạc ngũ âm réo rắc, lắc lư cùng tiếng trống Chhay dăm dồn dập hay thích thú với những bước nhảy cuồng nhiệt, sôi động.
Ngày mùng 5 Tết có lẽ là thời điểm nhộn nhịp nhất của hội xuân núi Bà Đen với nghi lễ “trình thập cúng”. Mười món vật phẩm gồm hương, đèn, trà, bánh, hoa, quả… được thành kính dâng lên Thánh Mẫu. Tiếp nối sau đó, nhiều nghi thức quan trọng khác như đọc kinh, sám hối, siêu độ diễn ra liên tục để cầu tài lộc, bình an.
Khi dự hội xuân, bạn nên lưu ý bảo quản tư trang cẩn thận vì lượng khách du lịch dừng chân nơi này vô cùng đông đúc. Ngoài ra, trước khi chia tay núi Bà Tây Ninh, tín đồ hành hương nhớ xin một gói giấy đỏ có chứa ít tiền lẻ hoặc nhúm gạo trắng – vốn là vật tượng trưng cho lộc Bà, đem lại nhiều may mắn, tài vận cho con người.
3. Lễ hội truyền thống động Kim Quang (tháng Giêng âm lịch)
Theo ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử, động Kim Quang trên sườn núi Bà Đen là căn cứ địa quan trọng của Huyện Ủy, Huyện Đội Tòa Thánh Tây Ninh trong giai đoạn đấu tranh chống Mỹ quyết liệt. Nhờ địa thế hiểm trở và độ cao 500m so với chân núi, động là nơi ẩn nấp, che chở cho lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời ngăn cản những bước tiến công của quân địch.
Vì vậy, khác với những lễ hội đậm sắc tâm linh khác tại thiên sơn núi Bà, lễ hội truyền thống động Kim Quang diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm là nét sinh hoạt văn hóa cách mạng đặc trưng. Nhân dân địa phương và khách du lịch có dịp ôn lại lịch sử hào hùng và tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng dân tộc đã “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Trong phần lễ, không khí động Kim Quang núi Bà trở nên trang trọng với bài “diễn văn truyền thống” và “phát biểu của đại diện thế hệ trẻ” do lần lượt Bí thư Huyện Ủy và Bí thư Huyện Đoàn trình bày. Lớp thanh niên cộng sản trong màu áo Đoàn thực hiện nghi thức diễu hành xung quanh sân lễ, mang màu cờ đỏ thắm phấp phới một vùng trời Tây Ninh. Cùng với đó, đài tưởng niệm được nhân dân trang hoàng lư hương, tràng hoa để tỏ lòng kính trọng với anh linh liệt sĩ.
Về phần hội, các chương trình biểu diễn múa rồng, văn nghệ truyền thống được tổ chức xuyên suốt. Song song với sân khấu sôi nổi, nhiều cán bộ, chiến sĩ, người lao động họp lại thành từng nhóm nhỏ quanh động Kim Quang để liên hoan, chuyện trò, đàn hát vui vẻ dưới ánh trăng nguyên tiêu sáng vằng vặc. Tất cả tạo nên một khung cảnh đầm ấm nức lòng khách du lịch.
Lưu ý, từ chân núi Bà Đen đến động Kim Quang phải đi lên nhiều bậc tam cấp và vượt qua vực sâu 4 – 5m, bạn nên chọn lựa trang phục đơn giản, dễ vận động và đi giày đế bằng để tránh đau, mỏi chân.
4. Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh (tháng Hai âm lịch)
Bồ Tát Quán Thế Âm là hình tượng ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Tay trái của Ngài cầm bình cam lồ – đại diện cho lòng từ bi, xoa dịu mọi đau khổ của chúng sinh. Tay phải cầm thùy dương liễu – tượng trưng cho đức kham nhẫn, quật cường trước mọi khó khăn, thách thức. Nhờ vào khí khái độ lượng và khả năng ứng hóa vô biên, Phật Bà Quán Thế Âm được nhân dân thờ phụng và chiêm bái trong ba ngày lễ vía: đản sinh (19/2), thành đạo (19/6), xuất gia (19/9).
Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh thường được tổ chức tại núi Bà Đen Tây Ninh vào ngày 19 tháng Hai âm lịch. Đây là dịp hội ngộ của Phật tử thập phương, ca ngợi đức hạnh, trí tuệ và sự sáng suốt của Phật Bà.
Vào ngày này, những vị tăng ni cao tuổi đứng ra chủ trì lễ khánh đản Bồ Tát Quán Thế Âm và tổ chức các chương trình pháp thoại nhằm lan tỏa giáo lý đạo Phật đến khách tham quan. Tại đây, du khách còn được tham gia lễ rước dâng hương từ Chùa Bà tới tượng Phật Bà Tây Bồ Đà Sơn, cầu chúc gia đạo bình an và nhiều điều may mắn.
Đặc biệt, trong hai đêm 19 và 20 tháng Hai, đêm hoa đăng đầy màu sắc diễn ra sôi nổi trong không khí náo nhiệt của quảng trường tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Sự tham gia đông đảo của Phật tử và du khách đã điểm tô cho đỉnh thiên sơn sắc huyền bí tâm linh đặc thù.
Ngoài ra, tượng Quán Thế Âm còn bảo chứng cho lời cầu duyên của những cô gái, chàng trai độc thân. Du khách có thể dâng lên hoa quả, lễ vật với màu sắc tươi sáng để tạo cảm giác vui tươi như hoa hồng đỏ, trầu cau, bánh kẹo… Nếu đi cầu duyên một mình, lễ vật dù cầu kỳ đến mấy nhưng sự tín tâm với Phật Bà mới là yếu tố quyết định xem lời câu duyên có được chứng giám hay không.
5. Lễ Phật Đản (tháng Tư âm lịch)
Đại lễ Phật Đản (còn gọi là lễ Vesak) được Liên Hợp Quốc công nhận như ngày hội văn hóa thế giới, kỷ niệm sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào thế kỷ VII trước Công nguyên. Tại núi Bà Đen nói riêng và chốn thiền môn Phật tự của nhiều quốc gia nói chung, lễ Phật Đản được tổ chức hoành tráng. Các tín đồ sùng đạo kính cẩn nghiêng mình trước giáo lý từ bi, phẩm hạnh bao dung và hiến dâng tâm hồn trong sạch – lễ phẩm cúng dường cao quý nhất với Đức Phật.
Đại lễ Phật Đản núi Bà Đen thường diễn ra vào các ngày 16 và 17 tháng Tư âm lịch, khi trăng rằm sáng tỏ, soi rọi linh khí bất phàm của cõi thiền tu. Ánh trăng huyền diệu điểm tô thêm cho cảnh núi rừng hùng vĩ và làm nổi bật nhiều hoạt động tâm linh ý nghĩa nơi đây.
Trước hết, du khách được trải nghiệm diễu hành dâng hoa đăng tại quảng trường tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn và lắng nghe các bậc cao tăng thuyết giảng. Những đóa hoa tươi thắm, rạng rỡ là thức quà thiện lành để tưởng nhớ, tôn vinh Đức Phật A Di Đà.
Long trọng không kém, hàng ngàn ngọn đèn hoa đăng sẽ được thắp sáng dưới chân tượng Phật của đỉnh thiên sơn. Phật tử và du khách có cơ hội tự tay ráp đèn, viết lời cầu nguyện và gửi gắm tâm tình, ước muốn của mình với Đức Phật. Các nhân viên Sun World Ba Den Mountain sau đó tiến hành thu thập, tái sử dụng đèn hoa đăng để bảo vệ môi trường và làm lễ thiêu các mảnh giấy điều ước, gửi trọn niềm tin của mọi người về cõi thiêng liêng.
Không khí Đại lễ thêm náo nhiệt với chương trình ca nhạc dân tộc được chuẩn bị kỹ càng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, vũ công. Sự kết hợp giữa ánh sáng bắt mắt và âm nhạc ngọt ngào hòa với sương mây bồng bềnh đem đến cho du khách nhiều ấn tượng khó phai.
Bên cạnh đó, trong ngày lễ quan trọng này, Sun World Ba Den Mountain thường đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn với vé cáp treo lên đỉnh núi. Cụ thể, nhân dịp Đại lễ Phật đản 2023, giá vé cáp treo Sun World Ba Den Mountain lên đỉnh núi vào buổi tối giảm từ 350.000 VNĐ xuống 200.000 VNĐ với người lớn và từ 250.000 VNĐ xuống 100.000 VNĐ với trẻ em. Du khách cũng có thể chiêm nghiệm sự vận động vũ trụ tái hiện qua công nghệ hình ảnh 3D mapping, các kiến trúc ngôi chùa Phật giáo của Việt Nam trình chiếu bằng hologram nhằm hiểu hơn về tinh thần đạo giáo.
6. Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (tháng 5 âm lịch)
Điển tích Linh Sơn Thánh Mẫu đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người con Tây Ninh và gây tiếng vang rộng rãi với du khách gần xa. Thánh Mẫu mang hình tượng của người con gái da ngăm đen có tấm lòng trong trắng, hướng đến giữ gìn đức hạnh thủy chung và phẩm giá ngoan cường. Nhiều lời truyền miệng dân gian còn chứng thực cho sự linh thiêng của Bà trong việc giúp đỡ, chở che cho nhân dân thoát khỏi những hiểm họa, tai ương.
Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức hằng năm vào tháng 5 âm lịch tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch và điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, trải dài trong suốt ba ngày 4, 5, 6. Giá trị tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của lễ hội được công nhận như một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được nhiều tín đồ, du khách quan tâm chiêm bái.
Trong thời gian trên, nhiều nghi thức Phật giáo được diễn ra trang nhã tại chùa Bà, điện Bà như như lễ Hưng tác, lễ Bái sám hồng danh, lễ cúng Phật cúng ngọ… Đặc biệt, lễ tắm Bà và thay áo mão được trịnh trọng tiến hành bởi các nữ Phật tử trung niên với ý nghĩa giữ gìn, tu sửa và làm thanh khiết tượng Phật đang được phụng thờ. Nước tắm tượng Phật được nấu từ hoa cỏ thơm, cùng với nhang đèn và hương quả khiến không khí núi Bà càng thêm bình yên, thanh tịnh.
Ngoài phần lễ, vào buổi tối các ngày 4, 5, du khách còn được thưởng thức các chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống như múa rồng, múa mâm vàng. Những ai quý mến nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cũng có cơ hội giao lưu với các nghệ sĩ tiếng tăm. Tiếng đàn, tiếng trống ngân vang không ngớt nhằm ca tụng đức ân của Linh Sơn Thánh Mẫu.
Thêm vào đó, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu tạo điều kiện cho du khách được chiêm ngưỡng không gian núi Bà Đen được trang trí dụng tâm với cờ hội Phật giáo, lồng đèn hoa sen, đèn hạt lúa, đèn nón lá. Chắc chắn đây là cơ hội để bạn có những bức hình kỷ niệm quý giá bên gia đình và người thân.
7. Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo (tháng 6 âm lịch)
Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo là một dịp lễ quan trọng trong triết lý của kẻ tu hành, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong tiến trình tu tập khổ hạnh của Bồ Tát. Bởi lẽ chỉ có thành tâm đắc đạo, Ngài mới có thể giảng giải đạo lý, giáo hóa Phật tử.
Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát thành đạo thường được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 âm lịch thường niên. Các tín đồ trên cả nước cùng thắp hương, vái lạy tượng Quán Thế Âm và tìm hiểu thêm về con đường tu hành gian khổ của Ngài.
Trong ngày này, du khách tham gia dâng hoa, lễ vật, tỏ lòng thành kính và cầu xin Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn, nâng đỡ người thiện lành. Ngoài ra, trải nghiệm thưởng thức trà sen hòa quyện với hương khói thơm ngát giữa đỉnh núi thiêng cũng đem lại cho con người xúc cảm thư thái và hạnh phúc.
Đến với núi Bà mừng lễ thành đạo, du khách còn có thể tích góp công đức bằng cách tham gia những hoạt động thiện nguyện như quyên góp xây nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ chi phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Hành động tử tế làm đọng lại dư vị an yên, khuây khỏa tâm thức hướng thiện của mỗi du khách trước khi nốt gót rời núi Bà.
8. Lễ Vu Lan báo hiếu (tháng 7 âm lịch)
Lễ Vu Lan xuất phát từ điển tích Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ sa đọa. Từ đây, những tín đồ sùng đạo thấm nhuần lòng thành kính, biết ơn với công lao dưỡng dục của đấng sinh thành, chuyển hóa thành cử chỉ hiếu nghĩa, lời nói yêu thương. Không dừng lại ở đó, Vu Lan báo hiếu hướng con người ta đến với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, biểu dương lòng yêu nước và khắc ghi đạo lý làm người.
Lễ Vu Lan núi Bà Đen thường được tổ chức dưới ánh trăng rằm tháng Bảy, từ ngày 11 đến ngày 15 âm lịch. Các hoạt động ý nghĩa tại sự kiện truyền tải sâu sắc tấm lòng biết ơn, đền ơn của mỗi người con, đồng thời tri ân sự hy sinh cao cả của những người mẹ.
Ngày lễ trọng đại bắt đầu với các nghi thức truyền thống như dâng lễ, thắp hương. Du khách, Phật tử gần xa quây quần bên nhau đọc kinh Vu Lan và lắng nghe các giai thoại Phật pháp. Thời khắc thiêng liêng nhất của lễ Vu Lan báo hiếu là khi mỗi người con cài lên trước ngực một đóa hoa hồng. Bông hồng đỏ thắm nhắc nhở những ai còn mẹ phải quan tâm, săn sóc, phụng dưỡng thân mẫu khi còn có thể. Ngược lại, bông hồng trắng đại biểu cho những ai không còn mẹ, cầu nguyện cho người được an nghỉ nơi phương xa.
Bên cạnh đó, Sun World Ba Den Mountain còn phục vụ khách tham quan những chương trình nghệ thuật đặc sắc, ca ngợi công cha nghĩa mẹ nhân dịp lễ Vu Lan. Tiếng hát ân tình của người nghệ sĩ chạm đến con tim của mỗi người con, góp phần làm nên một mùa Vu Lan trọn vẹn.
Trên dòng nước hiền hòa chảy quanh Trụ kinh Bát Nhã, du khách cùng thả hoa đăng huyền ảo, thắp sáng quần thể kiến trúc tâm linh của núi Bà Đen. Mỗi ngọn đèn đưa theo tâm niệm thành khẩn, cầu mong những điều tốt đẹp đến với người có ơn sinh thành dưỡng dục.
Lễ Vu Lan vừa mang đậm dấu ấn tâm linh Phật giáo, vừa có ý nghĩa báo hiếu, báo ân. Do vậy, bạn nên chú ý lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự để tôn trọng thánh thần và tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ.
9. Lễ hội rằm Trung thu (tháng 8 âm lịch)
Từ ngàn xưa, trống đồng Ngọc Lũ đã khắc họa lễ hội trăng rằm mùa thu của người Việt. Vào tiết trời mát mẻ nhất trong năm sau khi hoàn tất nông vụ, người thân trong gia đình cùng sum vầy bên bàn thờ gia tiên và tổ chức vui chơi, rước đèn, phá cỗ… Nhờ thế, Tết Trung thu trở thành phần thưởng cho thành quả lao động vất vả của nhà nông, mang ý nghĩa tri ân với thời tiết, thiên nhiên, chất chứa mong ước cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.
Đến với núi Bà Đen Tây Ninh từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 8 âm lịch hằng năm, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí vui tươi, rộn rã âm thanh kèn pháo giữa đất trời. Hòa quyện với dáng vẻ yêu kiều các loài hoa hướng dương, thu hải đường, cúc Nam Phi… đêm nhạc lễ hội trăng rằm chiêu đãi khách tham quan bằng điệu múa tháp uyển chuyển, tiếng trống dồn dập và nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc khác.
Bên cạnh đó, những ai ưa thích không gian thanh thuần, ưu nhã có thể lựa chọn chiêm ngưỡng triển lãm tượng Phật hoặc thưởng thức triển lãm ẩm thực hoa sen. Hàng chục quốc bảo đạo giáo và nghệ thuật trà đạo tinh tế chắc chắn là điểm nhấn nổi trội, để lại ấn tượng khó phai trong trải nghiệm Trung thu của du khách tại Sun World Ba Den Mountain.
Ngoài ra, Tết Trung thu còn được gọi ưu ái là Tết đoàn viên – một dịp sum họp gia đình đặc biệt. Do đó, bạn nên lên kế hoạch du lịch cùng với gia đình và những người thân yêu để niềm vui Trung thu được tròn đầy, ý nghĩa.
10. Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia (tháng 9 âm lịch)
Tương tự với lễ vía đản sinh và thành đạo, lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia là sự kiện quan trọng với những người con của Phật. Theo giáo lý quan niệm, sau khi đã gỡ bỏ vướng bận, Bồ Tát xuất gia để cầu tìm chân lý, giải thoát khỏi khổ đau thế tục. Khách hành hương tìm đến núi Bà Đen dự lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát vào ngày 19 tháng 9 âm lịch nhằm tán thán, ca tụng hạnh nguyên tu luyện của Ngài, cầu chúc những điều tốt lành, may mắn.
Trong khung cảnh mây ngàn núi bạc, núi Bà hoan hỷ cung nghinh quý tăng ni, Phật tử đắc đạo. Nhiều đại lễ Phật giáo được tiến hành long trọng, chẳng hạn như chiêm bái đảnh lễ xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay nghi thức trồng cây nhằm tạo ra nguồn năng lượng tích cực mùa lễ vía.
Ngoài ra, Sun World Ba Den Mountain còn đem đến đêm nhạc hội hoành tráng tại sân khấu trước ga Tâm An. Nhiều sáng tác văn nghệ thỏa mãn người xem về chất lượng lẫn hình thức đã phát huy tinh thần “Công đức vô lượng – Phước lành Quán Âm” đến với du khách gần xa.
Sẽ thật thiếu sót nếu bạn tham gia lễ vía mà bỏ lỡ mất nghi thức dâng hoa đăng – một hình thức bái lễ, cầu nguyện được tổ chức thường xuyên trên đỉnh núi Bà. Mỗi một dịp lễ qua đi, chân tượng Phật Bà Tây Bồ Đà Sơn lại đón nhận thêm nhiều tâm tư, tình cảm của du khách gửi gắm đến chư vị thánh thần.
Trên đây là 10 lễ hội núi Bà Đen đặc sắc, diễn ra xuyên suốt năm tại đệ nhất thiên sơn tỉnh Tây Ninh. Mỗi lễ hội lại mang đến những hoạt động ý nghĩa, giàu giá trị văn hóa – nghệ thuật, giúp du khách gác lại những ưu tư, muộn phiền và hòa mình vào cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, tráng lệ. Hy vọng bài viết sẽ đem đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích và chúc bạn có một trải nghiệm chiêm bái thú vị.