Lễ Đốt đèn của người Công giáo ở xóm đạo Tha La

Tây Ninh – Hàng nghìn giáo dân ở xóm đạo Tha La đến nghĩa trang thắp nến mộ phần người thân trong ngày lễ Các Đẳng.

Từ chiều 1 và rạng sáng 2/11, hàng nghìn giáo dân xóm đạo Tha La (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) cùng thắp nến các mộ phần trong Đất thánh (nghĩa trang của người Công giáo). Đây là hoạt động chính trong lễ Các Đẳng của đạo Công giáo.

Lễ Các Đẳng, còn gọi là lễ “Đốt đèn”, là ngày tưởng nhớ đến những người Kitô hữu qua đời. Theo giáo lý Công giáo, nhiều người mất đi nhưng chưa được lên thiên đàng nên cần phải thanh luyện. Những người còn sống sẽ dâng lời cầu nguyện, nhất là vào dịp lễ Các Đẳng để người chết sớm được lên Nước Trời.

Đây là nghi lễ quan trọng đối với người Công giáo nói chung và giáo dân xóm đạo Tha La nói riêng, vì vậy người già hay trẻ, làm ăn xa cũng về đốt nến, nhớ về ông bà, tổ tiên.

Nguyễn Phúc Sang, 14 tuổi (giữa) cho biết mỗi năm đều theo mẹ đến nghĩa trang dự lễ, cầu nguyện cho ông bà. “Em thấy buồn vì không còn được ở bên người thân, nhưng cũng vui vì mọi người có thể được về với Thiên Chúa”, Sang nói.

Trước giờ làm lễ, bà Thanh Hoa đến dọn dẹp mộ cho người thân. Sau đó, bà sẽ thắp nến cho những mộ phần xung quanh không có người đến thăm.

Nhiều em nhỏ đến nghĩa trang từ sáng sớm cùng gia đình.

Đúng 5h, trên bàn thánh giữa nghĩa trang, cha xứ cùng các linh mục đồng tế hiệp dâng thánh lễ và cầu nguyện: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng Amen”. Bên dưới, ca đoàn hát vang những bài thánh ca.

Bên mộ phần, các giáo dân chăm chú lắng nghe lời cầu nguyện của các linh mục.

Sau hơn một giờ tham dự nghi lễ Các Đẳng, các giáo dân dọn dẹp lại mộ phần trước khi ra về.

Trước đó, chiều tối hôm trước, trong lễ viếng nghĩa trang, trời đổ mưa lớn khiến nhiều người lo lắng không thể cử hành lễ trọn vẹn, tìm chỗ trú dưới mái hiên của ngôi mộ.

Một góc xóm đạo Tha La, nơi hiện có khoảng 5.200 giáo dân sinh sống. Đất thánh đã qua nhiều lần mở rộng, cải tạo. Từ năm 1867, đã có những ngôi mộ đầu tiên được đặt tại đây.

Xóm đạo Tha La được hình thành vào giữa thế kỷ 19, từng đi vào thơ, nhạc của nhiều tác giả. Nổi bật là bài thơ “Tha La xóm đạo” của nhà thơ Vũ Anh Khanh, đã được nhạc sĩ Dũng Chinh phổ nhạc vào năm 1964.

Khương Nguyễn
https://vnexpress.net/le-dot-den-cua-nguoi-cong-giao-o-xom-dao-tha-la-4811305.html